banner1.jpg banner4.jpg banner5.jpg baner2.jpg banner3.jpg

Công nghệ cũ kỹ, “ngốn” nhiều điện

Wednesday, 31/07/2013 08:21

Có lẽ đại diện Hiệp hội xi măng Việt Nam sẽ không thẳng thắn “tố” ngành điện độc quyền, nếu như dự thảo biểu giá điện mới không “đẩy” ngành xi măng và thép ra chịu một mức giá riêng, cao hơn 2-16% so với hiện tại với lý do hai ngành này sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng. Trong khi đó, chính ngành điện cũng còn nhiều nhà máy sử dụng công nghệ cũ kỹ.


 
Ngành điện chưa có giá bán điện theo thị trường. Ảnh: Phú Khánh

“Mơ ước được như ngành điện”

Đây là nội dung tranh luận gây nhiều chú ý tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Để ngành thép và xi măng phát triển bền vững” do Báo Công Thương tổ chức ngày 24-7-2013. Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), thép và xi măng là 2 ngành tiêu tốn nhiều điện năng: “Tổng sản lượng điện sử dụng trong ngành công nghiệp Việt Nam chiếm 70%, thì ngành thép và xi măng không chỉ chiếm 11-12% mà chắc chắn cao hơn. Tiêu hao điện năng chiếm 0,6-1% là chưa chính xác”- ông Trần Viết Ngãi nói. Thậm chí, ngay cả khi ông Bùi Quang Chuyện- Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) đưa ra con số cụ thể về tỷ lệ tiêu hao điện năng trong giá thành sản phẩm thép và xi măng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống kê, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam vẫn nghi ngờ. Lý do là ngành thép và xi măng hiện còn nhiều nhà máy, lò luyện sử dụng công nghệ lạc hậu, tận dụng điện giá rẻ trong khi sản phẩm dư thừa. Ngược lại, ngành điện chưa có giá bán theo thị trường, phải bù lỗ, không có vốn đầu tư và không thu hút được vốn đầu tư, dẫn đến nguy cơ thiếu điện. 

Theo ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, doanh nghiệp đang bị đối xử bất bình đẳng. Đây là nghịch lý thời chuyển đổi và nên xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp. Trước đây, thép và xi măng cũng là ngành được nhà nước ưu tiên phát triển, nhưng tùy từng giai đoạn mà mức độ ưu tiên khác nhau. “Vì thế, doanh nghiệp đang được ưu tiên không nên dựa thế độc quyền. Mặt khác, ngành điện cũng đang tồn tại nhiều nhà máy có công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp” - ông Nguyễn Văn Thiện phản biện. 

Đỉnh điểm của cuộc tranh luận là khi Chủ tịch VEA không nhượng bộ: “Chúng tôi độc quyền tự nhiên, độc quyền do lịch sử để lại. Nếu không có điện, than, khí thì đất nước sẽ phát triển như thế nào”? Rõ ràng, câu hỏi của ông Trần Viết Ngãi đã khẳng định vị trí không thể thay thế của ngành năng lượng. Nó cũng hàm ý, nếu ngành điện không được tăng giá bán điện thì nguy cơ mất an ninh năng lượng sẽ thành hiện thực. Khi đó, không chỉ thép hay xi măng, mà cả nền kinh tế có nguy cơ tê liệt!

Xăng dầu muốn tăng giá


Ngày 29-7-2013, thông tin từ một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, họ đang tiếp tục lỗ hơn 400 đồng/lít xăng và hơn 200 đồng/lít dầu. Trong khi định mức cho một lít xăng dầu đã giảm, quỹ bình ổn đã sử dụng tối đa, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu mong người dân hiểu cho “nỗi khổ” của họ. Nhìn bề ngoài, có vẻ các doanh nghiệp chiếm ưu thế đang rất khổ vì ở thế giằng co giữa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh; giữa việc đưa giá theo thị trường với việc đảm bảo kinh tế vĩ mô. Chưa biết doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khổ đến đâu, nhưng khi giá xăng dầu chưa được minh bạch thì người dân còn hồ nghi. Mặt khác, mặc dù có hơn 10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang hoạt động, nhưng giá xăng bán lẻ đến người tiêu dùng vẫn chưa thống nhất, thiếu cạnh tranh. Đây là kết quả của sự áp đảo không thể thay thế của doanh nghiệp đầu mối lớn nhất.  

Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần đề cập câu chuyện độc quyền trong một số lĩnh vực và cho rằng cần phải xóa bỏ thế độc quyền này, từ đó giá cả các mặt hàng mới hợp lý. Song cũng có quan điểm cho rằng, đây là sự rối rắm của thời kỳ quá độ. Để gỡ rối “mớ bòng bong” này, chắc chắn cần đến vai trò cầm cân nảy mực của Nhà nước để các ngành nghề đều được đối xử bình đẳng và có điều kiện phát triển. 

Đều là những ngành kinh tế quan trọng của đất nước, nhưng lĩnh vực viễn thông đã xóa bỏ được vị thế độc quyền của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT). Nhiều doanh nghiệp viễn thông khác lớn mạnh và cạnh tranh, khiến cho người dân Việt Nam nhanh chóng được tiếp cận với dịch vụ viễn thông giá rẻ, chất lượng.
 
Vân Hằng

Nguồn : " An Ninh Thủ Đô"