banner1.jpg banner4.jpg banner5.jpg baner2.jpg banner3.jpg

Xung quanh Vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên tại Việt Nam: Để tự vệ hay độc quyền

Thursday, 01/08/2013 14:03


Những tưởng với vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên mà các DN trong nước khởi kiện sẽ mang lại tín hiệu tự vệ mới, nhưng đi cùng với đó là quan ngại về dấu hiệu của một sự cạnh tranh không bình đẳng.




DN thép không gỉ đang đối mặt với khó khăn ngay cả khi chưa có kết luận vụ kiện. (Ảnh do DN cung cấp)

Ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng

Ngày 6-5, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận hồ sơ hợp lệ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội NK từ 4 thị trường của hai công ty nguyên đơn là Công ty TNHH Posco VST và Công ty CP Inox Hòa Bình. Giai đoạn điều tra từ 1-4-2012 đến 31-3-2013. Đây là vụ kiện CBPG đầu tiên của Việt Nam. Ngày 4-7, Bộ Công Thương cho biết đã ký quyết định thông báo về việc điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội NK từ các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam.

Trong môi trường kinh doanh hội nhập toàn cầu như hiện nay, và Việt Nam đã là thành viên của WTO, AFTA, hoàn toàn dễ hiểu khi Công ty Posco VST và Hòa Bình Inox có đề nghị đến các cơ quan chức năng để tự bảo vệ mình bằng các công cụ phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các DN thép không gỉ trong nước khác, việc áp dụng biện pháp CBPG sản phẩm thép không gỉ cán nguội trong trường hợp này sẽ dẫn tới rất nhiều hệ quả ảnh hưởng xấu tới thị trường ngành thép không gỉ tại Việt Nam

Ông Đàm Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà cho biết, các DN sản xuất sản phẩm từ thép không gỉ cán nguội sẽ khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn nguyên liệu có giá thành cạnh tranh, đảm bảo chất lượng và kỹ thuật, do giá thành nguyên liệu sẽ bị đẩy lên cao, từ đó làm ảnh hưởng đến giá bán, nguy cơ lạm phát tăng cao và giá trị XK suy giảm. Hệ quả của việc này còn khiến người tiêu dùng trong nước khó có khả năng tiếp cận các sản phẩm được sản xuất từ thép không gỉ.

Ngoài những quan ngại trên, các DN thép không gỉ trong nước còn cho rằng, sản phẩm thép không gỉ cán nguội là đối tượng hàng hóa của vụ kiện có phổ quá rộng. Hiện nay sản phẩm thép không gỉ cán nguội được sản xuất và sử dụng với rất nhiều phẩm cấp khác nhau và theo thống kê, nhóm sản phẩm này có khoảng 2.500 chủng loại khác nhau. Trong trường hợp vụ kiện thành công, toàn bộ nhóm sản phẩm thép không gỉ cán nguội sẽ bị áp thuế CBPG khi NK từ 4 thị trường sẽ gây khó khăn rất lớn cho nền sản xuất các sản phẩm từ thép không gỉ trong nước. Đại diện một DN cho biết, với những lý do được hai Công ty Posco VST và Hòa Bình Inox nêu để khởi kiện thì đáng lẽ họ chỉ nên khởi kiện những sản phẩm mà họ sản xuất chứ không phải là đối với tất cả chủng loại của thép không gỉ.

Dấu hiệu độc quyền?

Theo ông Đàm Quang Hùng, quan trọng hơn đối với hoạt động sản xuất của các DN thép không gỉ trong nước là hệ quả của việc này còn dẫn tới độc quyền nhóm trong việc sản xuất sản phẩm thép không gỉ cán nguội do nguồn nguyên liệu sản xuất là thép không gỉ cán nóng chưa sản xuất được tại Việt Nam. Ông Hùng phân tích: “Xét về tổng thị phần ngành sản xuất thép tại Việt Nam hiện nay, Công ty Posco VST và Hòa Bình Inox đang giữ vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm khoảng 30% thị phần). Nếu áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội NK sẽ dẫn tới thực tế hai Công ty trên có thể sử dụng lợi thế thị phần để đẩy giá mặt hàng thép lên cao, vì không có sự cạnh tranh ngang bằng”.

Đại diện một DN thép không gỉ khác cho biết thêm, hiện nay Hòa Bình Inox mới trong quá trình lắp đặt dây chuyền sản xuất và chưa đi vào sản xuất thử cũng như sản xuất sản phẩm thương mại cung cấp ra thị trường. Posco VST đã tiến hành sản xuất sản phẩm từ năm 2010 có bề mặt PP và đến năm 2012 mới đưa vào sản xuất sản phẩm thép không gỉ có bề mặt 2B nên chất lượng sản phẩm không ổn định, có nhiều chủng loại thép không gỉ phục vụ sản xuất trong nước chưa đáp ứng được.

Theo các DN, DN sản xuất hàng XK đang có nguy cơ bị thua lỗ lớn do ký hợp đồng khung nhận hàng với sản lượng lớn từ các nhà NK nước ngoài nếu vụ kiện được kết luận có bán phá giá khiến giá thành đầu vào của sản phẩm bị đẩy lên cao. Bên cạnh đó, hiện nay, một số DN thép không gỉ trong nước chỉ dám nhập nốt nguyên liệu để hoàn thiện hợp đồng cung cấp sản phẩm đã ký, dao động từ nay tới hết tháng 8. Sau đó là “ngồi chờ” kết luận sơ bộ của vụ kiện mới có thể có động thái tiếp theo trong sản xuất. Việc này là do DN ngại ngần trước nguy cơ bị truy thu thuế do áp dụng hồi tố trong một vụ kiện CBPG.

Cũng theo các DN, trong khi đang phải đối mặt với bao khó khăn của nền kinh tế tác động tới mọi hoạt động sản xuất của DN, vụ kiện dù đang tiến hành hay cho đến khi có kết luận cũng đã “giáng một đòn” vào các DN thép không gỉ. Hiện hoạt động của các DN đã gần như bị chững lại và thị trường là “của” Posco VST.  

(Nguồn tin: Haiquan)

(Bản tin sắt thép.net)