Andrew Carnegi- ông vua của nền công nghiệp sắt thép Mỹ
Andrew Carnegie
Nền công nghiệp nước Mỹ trong nửa đầu của thế kỷ 19 đã có những bước tiến vượt bậc. Dầu lửa, sắt thép và sản xuất xe hơi đã đuổi kịp và vượt lên trên các đối thủ ở lục địa già châu Âu. Cùng với John David Rockefeller
– vua dầu lửa và Henry Ford – vua xe hơi thì Andrew Carnegie cũng được tôn vinh là vua sắt thép của nước Mỹ.
Từ hai bàn tay trắng, Andrew Carnegie đã có một sự nghiệp kinh doanh vô cùng đáng nể. Cách đây gần trăm năm, ông đã là tỷ phú đô la với những tài sản kếch xù. Thông qua hệ thống sản xuất sắt thép khổng lồ của mình, Andrew Carnegie đã có những ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế lúc đó.
Từ một xưởng sắt thép được lập năm 1868, khoảng hơn 20 năm sau, Andrew Carnegie đã là ông vua của ngành sản xuất sắt thép nước Mỹ. Tập đoàn thép United Steel Corpotion lớn nhất thế giới hiện nay có tiền thân từ công ty thép của Carnegie sau khi được sáp nhập với công ty thép của Morgan. Tại thời điểm sáp nhập hai tập đoàn thép lớn nhất Mỹ lúc bấy giờ, trị giá công ty thép của Andrew Carnegie được tính tới 4 tỷ USD, một con số quá ư là lớn tại thời điểm đầu thế kỷ 20.
Trước đó, Andrew Carnegie đã được mệnh danh là ông vua sắt thép của nước Mỹ sau khi ông đã gom mua thành công một loạt các công ty thép khác về cho mình như Công ty Homestead, Công ty Dicksen.
Hiểu biết nhờ đọc sách. Như rất nhiều các tỷ phú và triệu phú nổi lên từ quá trình công nghiệp hóa trong thế kỷ 19, Andrew Carnegie lớn lên trong một hoàn cảnh rất khó khăn. Ông vốn là người xứ Scotland, sinh năm 1835 tại vùng Dunfermlin. Vì mưu sinh, năm 1845 gia đình ông nhập cư sang Mỹ là vùng đất hứa của không ít người châu Âu lúc bấy giờ. Andrew Carnegie không được đến trường như những đứa trẻ khác mà phải làm việc ngay từ nhỏ. Ông đã phải làm rất nhiều việc vượt qua cả sức của một chú bé mới hơn 10 tuổi. Tuy vậy, Andrew là một cậu bé rất sáng dạ và đặc biệt ham học. Andrew Carnegie dành mọi thời gian rỗi để tự học, để học hỏi những người lớn tuổi hơn, hiểu biết nhiều hơn.
Ngay từ nhỏ, Andrew Carnegie đã có một niềm say mê đọc sách hiếm có. Ở chỗ làm người ta vẫn thấy Andrew thường mang theo sách để đọc vào bất cứ thời gian rỗi rãi nào. Bao nhiêu sách Andrew Carnegie đọc cũng hết.Không thể có tiền mua sách, Andrew lân la làm quen với tất cả những người có sách để mượn, để xin sách. Ngay từ lúc bấy giờ, nếu đến nhà Andrew, chắc ai cũng phải ngạc nhiên về cái thư viện sách khá phong phú của một chú thợ nghèo.
Khi đã thành đạt, Andrew Carnegie từng nói với nhiều người, những tri thức và hiểu biết của ông đều do tự học và tự đọc qua sách mà có cả. Có lẽ chính vì vậy mà Andrew Carnegie là người yêu sách vô cùng. Lúc bé, ông rất trân trọng cái thư viện gia đình nhỏ của mình và ao ước có một thư viện lớn hơn. Chính vì vậy mà khi đã thành danh, trở thành một nhà doanh nghiệp nổi tiếng, là người cực kỳ giàu có, Andrew Carnegie đã hiến rất nhiều tiền để xây dựng thư viện ở khắp nơi. Có lẽ không có ai có công quyên góp và hiến tặng nhiều thư viện như Andrew Carnegie.
Thư viện đầu tiên, đương nhiên ông xây dựng tại quê nhà Dunfermline xứ Scotland với giá trị 8.000 USD. Sau đó thì liên tục năm nào ông cũng hiến tặng hay chủ động quyên góp xây dựng thư viện ở khắp nơi trên đất Mỹ, Anh, Island, rồi cả ở Canada, Australia … Tổng cộng trong suốt cả đời mình Andrew Carnegie đã hiến tặng hoặc góp tiền để xây dựng toàn bộ hoặc một phần cho hơn 2.000 thư viện lớn bé khác nhau.
Sáng dạ và cần cù tự học, Andrew Carnegie được ông chủ xưởng dệt cho thôi làm thợ mà chuyển sang làm sổ sách cho công ty. Và chàng trai trẻ, cần cù Andrew đã làm hơn tất cả những gì mà ông chủ mong đợi ở cậu. Nhờ đọc sách và tự học Andrew Carnegie đã biết làm kế toán kép và phân tích tình hình tài chính và kinh doanh thông qua những con số kế toán. Andrew Carnegie đã có những kiến thức phân tích kinh doanh thực tiễn từ đó.
Năng khiếu kinh doanh. Cũng nhờ đọc sách và quen biết một số người trong ngành đường sắt mà Andrew Carnegie dự đoán rằng ngành đường sắt sẽ rất phát triển và bùng nổ trong tương lai. Nhưng tất cả những dự đoán đó chẳng đem lại lợi lộc gì cho chàng kế toán nghèo của một công ty dệt nếu không có một cơ hội bất ngờ. Số là tình cờ thông qua một người quen, Andrew Carnegie biết được một nhân viên đường sắt đang muốn bán hết cổ phần công ty đường sắt mà anh ta đang có với giá 600 USD. Đó là một con số không phải là nhỏ với Andrew Carnegie lúc đó. Nhưng như có linh tính, Andrew Carnegie quyết tâm vay mượn tiền để mua bằng được số cổ phiếu này.
Từ đó trở đi người ta thấy Andrew Carnegie luôn luôn tính toán theo dõi giá trị tăng giảm của các cổ phiếu. Andrew Carnegie đã không lầm với những dự đoán về sự phát triển của ngành đường sắt. Chỉ ít lâu sau ông đã bán lại với giá hàng chục nghìn USD. Sự nghiệp kinh doanh của Andrew Carnegie bắt đầu từ đó. Bên cạnh ngành đường sắt, công nghiệp khai thác dầu mỏ cũng phát triển nhanh chóng. Andrew Carnegie nhận ra điều đó và không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào. Ông tự mình lang thang đến những vùng đang khai thác dầu để quan sát những chỗ được chọn để khoan tìm dầu.
Rồi đến một ngày Andrew Carnegie bất ngờ trả giá tới 40.000 USD để mua lại một khu đất của một gia đình nông dân. Carnegie đã dám tính toán khá liều lĩnh rằng đến một lúc nào đó công ty khai thác dầu sẽ nhòm ngó miếng đất trên. Không biết Andrew Carnegie có gặp may không nhưng quả thật đúng vậy, chỉ một năm sau khu đất trên được trả giá tới 1triệu USD nhưng ông không bán.
Chỉ ba năm sau thì giá đã tăng lên tới 5 triệu USD. Năng khiếu kinh doanh và sự nhạy bén thần kỳ với cơ hội kinh doanh đã sớm đưa Andrew Carnegie trở thành triệu phú. Ông đầu tư vào ngành đường sắt và lập tức được lợi nhuận lớn. Từ 2 triệu vốn đầu tư, chỉ hơn một năm sau Andrew Carnegie đã có tới cả hàng chục triệu USD.
Trở thành vua sắt thép. Là nhà đầu tư cho ngành đường sắt, Andrew Carnegie đã sớm nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sắt thép để đóng tàu và làm đường ray rất lớn. Hơn nữa những chiếc cầu bằng gỗ trước kia không còn chịu đựng được sức tải của đoàn tàu hỏa, dù chỉ có 2-3 toa xe. Nhu cầu xây cầu sắt thay thế các cầu gỗ đột nhiên bùng nổ khắp mọi nơi. Ở đâu có đường sắt hoặc mong muốn đường sắt chạy qua ở đó phải có được những chiếc cầu sắt. Sự nhanh nhạy kinh doanh bẩm sinh đã khiến Andrew Carnegie quyết định chuyển sang đầu tư cho ngành sản xuất sắt thép. Ông thôi hẳn công việc của hãng xe lửa Pennsyvania đề lập một công ty sản xuất sắt thép.
Andrew Carnegie đã cất công sang tận châu Âu để nghiên cứu công nghệ sản xuất thép.
Tất cả những ưu điểm và nhược điểm của ngành thép được ông thu thập và nghiên cứu tỉ mỉ.
Andrew Carnegie quyết định đầu tư lớn và đầu tư thật bài bản cho lĩnh vực sắt thép. Nhiều công nghệ và bằng sáng chế mới nhất về sản xuất sắt thép đã được Andrew Carnegie mua lại và mang về Mỹ.
Năm 1868, xí nghiệp sản xuất thép của Andrew Carnegie ra đời. Ngay từ đầu Carnegie đã muốn có ngay các sản phẩm thép cao cấp để cung cấp cho ngành xây dựng cầu đường và ngành đường sắt. Tại thời điểm này, nhờ kinh doanh thành đạt nên Andrew Carnegie đã có vốn lớn để đầu tư. Lò nấu thép của ông được xây cao trên 20 mét và được coi là cao nhất lúc bấy giờ. Chất lượng thép của Andrew Carnegie được coi là loại tốt nhất lúc ấy. Để làm đường ray xe lửa người ta toàn mua sắt của Andrew Carnegie vì tạp chất ít, chất lượng cao nên tuổi thọ đường ray tăng đáng kể. Andrew Carnegie sản xuất thép không kịp bán. Xưởng thép của ông được mở rộng liên tục.
Từ lúc này Andrew Carnegie dành mọi nguồn vốn và tâm trí để sản xuất thép chất lượng cao. Các hoạt động kinh doanh khác không còn được ông quan tâm nữa. Trong đầu Andrew Carnegie chỉ luôn có thép và thép mà thôi.
Là con người nhạy cảm trong kinh doanh nhưng cũng rất thông minh trong kỹ thuật, Andrew Carnegie luôn để ý tìm cách tăng chất lượng sản phẩm. Không trực tiếp nghiên cứu và phát triển công nghệ thép nhưng Andrew Carnegie lại hết sức quan tâm và theo dõi các phát minh mới và phát triển của công nghệ sản xuất hiện đại. Khi loại lò nung thép mới vừa mới ra đời thì ông gần như là người đầu tiên cho áp dụng ngay.
Quá trình công nghiệp hóa phát triển càng nhanh thì nhu cầu sắt thép càng lớn. Và công ty sắt thép của Andrew Carnegie lại càng kinh doanh thuận lợi. Andrew Carnegie liên tục mở rộng và mở mới các xưởng sản xuất thép của mình. Nhiều cơ sở và công ty thép nhỏ đã bị Andrew Carnegie mua lại để mở rộng và hiện đại hóa công nghệ sản xuất. Andrew Carnegie đã giàu lại càng giàu hơn. Sắt thép được cần ở mọi ngành nên Andrew Carnegie gần như không hề bị ảnh hưởng chút nào khi có một ngành công nghiệp nào đó bị trì trệ.
Nhà quản lý công nghiệp xuất sắc. Thành công trong kinh doanh đã đưa Andrew Carnegie trở thành một con người có rất nhiều ảnh hưởng và thế lực. Không chỉ là người cực kỳ nhạy cảm với cơ hội kinh doanh mới, Andrew Carnegie còn được thừa nhận là một nhà quản lý công nghiệp xuất sắc. Để chiếm lĩnh được thị trường thì không chỉ có mỗi chất lượng sản phẩm. Năng suất lao động rất cao tại công ty thép của ông cũng là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của thép Andrew Carnegie. Nhờ có kiến thức về kế toán quản trị và khả năng tổng hợp tốt, Andrew Carnegie đã có thể phân tích sắc sảo, chính xác những yếu tố cần phải giảm để tăng năng suất lao động và giảm giá thành sản phẩm. Một tấn thép cùng chất lượng do Andrew Carnegie sản xuất có giá thành chỉ bằng nửa giá của các đối thủ cạnh tranh khác. Chính vì thế sự lấn lướt và bành trướng của thép Andrew Carnegie trên thị trường là điều hoàn toàn dễ hiểu. Với công suất khổng lồ, Andrew Carnegie chủ động mua trước cả những mỏ quặng sắt lớn để bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào.
Thành công của Andrew Carnegie trong ngành công nghiệp thép đã không tách rời với khả năng dùng người rất tinh tế của ông. Andrew Carnegie được tâm phục khẩu phục cả về khả năng kinh doanh lẫn các vấn đề liên quan đến kỹ thuật công nghệ. Chính vì vậy ông đã thu hút được rất nhiều người tài về làm cho mình. Đó là các nhà quản lý điều hành, các kỹ sư và công nhân lành nghề. Có thể nói đội quân của Andrew Carnegie rất tinh nhuệ và chuyên nghiệp. Andrew Carnegie nhanh nhạy với các cơ hội kinh doanh bao nhiêu thì ông cũng tinh đời trong nhìn nhận con người bấy nhiêu. Không ít người tài được Andrew Carnegie phát hiện một cách tình cờ và trọng dụng. Rất nhiều người có năng lực được bổ nhiệm vượt cấp. Tổng giám đốc điều hành Chales Michael Schwab của Andrew Carnegie là một ví dụ.
Được nhận về công ty khi đang là một nhân viên bán hàng tạp hóa, Schwab đã thể hiện năng lực của mình và nhanh chóng trở thành tổ trưởng, quản đốc phân xưởng, rồi giám đốc một xưởng sản xuất. Sau đó, Schwab được Andrew Carnegie bổ nhiệm làm tổng giám đốc khi mới 39 tuổi. Và Andrew Carnegie đã không nhầm. Tập đoàn thép của ông được điều hành rất tốt và hiệu quả một phần khá lớn nhờ con người này.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam)