Giá phôi thép thế giới đang nhích lên. Giá thép trong nước có thể sẽ lại tăng theo “nhiệt độ” của thị trường nhưng theo nhiều chuyên gia ngành thép, doanh nghiệp tăng giá trong bối cảnh này không chừng là tự mình làm khó mình!
Lại rục rịch các kế hoạch tăng giá
Tất cả các chi phí đầu vào cho sản xuất thép đến thời điểm này lại tiếp tục tăng.
Ông Đào Đình Đông, Trưởng Phòng thị trường, Công ty Thép miền Nam khẳng định, giá phôi trên thị trường châu Á vài ngày qua đã chào giá tháng 8/2009 lên mức 475 USD/tấn, tăng mạnh tới 40-50USD/tấn so với hồi tháng 4.
Trong nước, giá dầu sau 2 lần điều chỉnh gần đây đã tăng mạnh tới 1.500-1.650 đồng/kg, lít so với giá hồi tháng 5/2009. Ước tính, mỗi tấn thép tiêu hao khoảng 45-50 lít dầu thì dự kiến, giá thành thép sẽ đội thêm khoảng 60.000 đồng/tấn.
Tăng giá thép lúc này có thể sẽ bất lợi (ảnh: sbsc.com.vn)
Tuy chưa có tính toán cụ thể song ông Đào Đình Đông nhấn mạnh: “Giá thành thép của công ty sẽ tăng lên và theo nguyên tắc thị trường, giá bán ra sẽ phải điều chỉnh".
“Lý do tăng theo nhiệt độ thị trường thế giới như vậy vẫn là do thép Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhập khẩu phôi”, ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty Thép Thành Đô khẳng định. Theo ông Hồng, tác động này là chủ đạo bởi thực chất Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 70% phôi thép.
Ông Hồng nói: “Thông tin Hiệp hội Thép Việt Nam công bố chúng ta đã sản xuất được 50%- 60% phôi chỉ là tổng công suất thiết kế của các nhà máy hiện nay chứ chưa phải là công suất sản xuất thực sự. Nguyên nhân là do nguồn nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất phôi là thép phế cũng rất hạn chế".
Tuy nhiên, ngay cả với công ty đã tự chủ được 50% nguồn phôi như Công ty Gang thép Thái Nguyên thì việc tăng giá sắp tới cũng không ngoại lệ. Ông Hoàng Văn Tòng, Phó Tổng giám đốc công ty này cho biết: “Lúc giá dầu tăng mạnh 1.000 đồng/lít, chúng tôi chưa tăng giá nhưng thêm lần tăng này nữa thì chắc chắn, chúng tôi sẽ phải tăng giá bán thép".
Ông Hoàng Văn Tòng lý giải: “Những khâu như bốc dỡ và vận chuyển đất đá ở các điểm mỏ quặng sắt, khâu vận chuyển thép từ Thái Nguyên đi vào miền Trung và bản thân công nghệ luyện kim hiện cũng ngốn rất nhiều dầu.
Tuy nhiên, dự kiến sẽ tăng lên bao nhiêu thì hiện giờ, phòng kế hoạch, thị trường còn đang tính”.
Sẽ xem kỹ mạch thị trường
Trên thực tế, mức giá thép hiện nay cũng đã trải qua 3-4 lần tăng giá trong 2 tháng qua, do thuế nhập khẩu phôi tăng thêm 3% và nhu cầu tiêu thụ thép hồi phục.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến cáo, nếu tăng giá nữa, thép nội sẽ mất lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu.
Hiện nay, thép cây xây dựng giao tại nhà máy chưa tính 5% thuế VAT ở mức gần 10,9 triệu đồng/tấn, thép cuộn phi 6 - phi 8 ở mức 10,4 triệu đồng/tấn. Mức giá này tương ứng với mức giá phôi nhập khẩu vào khoảng 420USD- 440USD.
Lượng thép cuộn xây dựng từ ASEAN, được hưởng thuế ưu đãi trong AFTA là 0% nhập về Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt trong tháng 4, tháng 5/2009. Giá thép nhập này rẻ hơn từ 500-700.000 đồng/tấn so với thép nội. Nước láng giềng Trung Quốc thì luôn có chính sách hấp dẫn để khuyến khích xuất khẩu thép như hoàn thuế VAT…
“Vì vậy, nếu có ý định tăng giá, các nhà sản xuất thép nội phải hết sức lưu ý điểm này. Giá thép nội mà cao hơn thì chẳng khác gì tạo điều kiện cho thép ngoại giá rẻ chiếm lĩnh thị trường. Việt Nam không hề thiếu những bài học thua ngay trên sân nhà vì thép ngoại giá rẻ”, ông Phạm Chí Cường cảnh báo.
Thực chất, việc tăng giá này cũng cần được cân nhắc kỹ trước các tín hiệu cung cầu của thị trường.
Một chuyên gia trong ngành thép phân tích: Riêng tháng 4 và 5, thép cán bán ra đã lên tới 790.000 tấn trong khi bình thường mọi năm, 2 tháng cao điểm này cũng chỉ tiêu thụ khoảng 550.000 – 600.000 tấn. Như vậy, lượng thép bán ra tăng vọt trong 2 tháng này chưa thể đi hết vào các công trình, có khả năng là một lượng thép lớn vẫn đang nằm tồn kho lưu thông.
Hơn nữa, thời điểm này đã bước vào mùa mưa, nhu cầu xây dựng công trình giảm. Do đó, sức tiêu thụ thép tháng 7 này có thể sẽ giảm.
Ông Lê Văn Hồng thì hé mở, thực chất kinh doanh thép đang rất ổn định chứ không chịu sức ép lỗ. Với chi phí phôi hiện hết khoảng 9,1 triệu đồng/tấn, chi phí cán hết 1,7 triệu đồng/tấn, thì giá bán lẻ của các công ty chênh so với giá thành chỉ khoảng 400.000 đồng/tấn. Tỷ suất lợi nhuận đạt 3%. Theo ông Hồng, đây là mức lợi nhuận tốt.
“Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất thép nội vẫn có thể giữ được thị trường bằng việc đẩy mạnh việc làm thương hiệu”, ông Phạm Chí Cường đánh giá.
Thép Việt có chất lượng tốt hơn rất nhiều so với thép Trung Quốc. Đó là điều mà giới xây dựng đều xác nhận. Với thép cuộn, trong năm nay, một số nhà sản xuất trong nước đã in mác trực tiếp lên thép, tạo điều kiện cho người tiêu dùng phân biệt với loại thép cuộn không có nhãn mác, thường chỉ sản xuất tại địa phương ở Trung Quốc. Việc làm rõ thương hiệu, nhãn mác như vậy sẽ là lợi thế cạnh tranh cho thép nội.
Dù thế nào thì các doanh nghiệp sẽ phải nhìn nhau trong câu chuyện quyết định tăng giá này.
Theo maivoo.com