Thu nhập bình quân hàng tháng của nhân viên Ngân hàng Quân Đội, Vietinbank thuộc diện cao nhất trong giới nhà băng, trên 17,4 triệu đồng.
Thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng của các ngân hàng thương mại cho thấy hiện có 13 trong số 40 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quý III. Theo đó, thu nhập (gồm lương, phụ cấp, thu nhập khác) bình quân hàng tháng của nhân viên dao động từ 9 đến hơn 17 triệu đồng. Có 9 nhà băng chi trả cho người lao động trên 12 triệu đồng mỗi tháng.
Thu nhập bình quân của nhân viên Ngân hàng Quân Đội (MBB) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cao nhất, trên 17 triệu đồng. Sacombank chi trung bình 16,9 triệu đồng để trả lương, phụ cấp cho mỗi nhân viên.
Người lao động ở Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Xuất nhập khẩu (Eximbank) nhận trung bình 12-15 triệu đồng một tháng.
So với cùng kỳ 2012, Techcombank và VPBank đều có lợi nhuận giảm nhưng quỹ lương cho nhân viên lại tăng. Như Techcombank, thu nhập bình quân tháng của các nhân viên từ 12 triệu lên 15 triệu đồng. Lãnh đạo của Techcombank cho hay, do năm 2013 đầu tư mở rộng mạng lưới nhiều, quỹ lương tăng theo, đồng thời, ngân hàng tăng lương cho nhiều cán bộ có thành tích xuất sắc.
Còn VPBank, 9 tháng, ngân hàng này có tốc độ tăng trưởng tín dụng thuộc dạng khủng toàn ngành (28%). Quý III, VPBank tuyển thêm gần 1.500 nhân sự, là một trong ít đơn vị mở rộng chi nhánh, nhân lực thời gian này.
Thừa nhận đây là lĩnh vực rất áp lực, một thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng ở TP HCM chia sẻ: "Nhân viên kinh doanh bị áp lực về doanh số. Nhân viên giao dịch, trực tiếp làm việc với khách hàng thì áp lực về giờ giấc. Chuyện 21h đêm vẫn chưa được về nhà là bình thường nên mức thu nhập bình quân này chưa phải là cao".
Về năng suất lao động (tính toán dựa trên chỉ số tạo lợi nhuận của mỗi nhân viên), Ngân hàng Quân Đội có đội ngũ làm việc năng suất nhất khi trong 9 tháng, mỗi nhân viên MBB tạo ra 416 triệu đồng lợi nhuận. Tương tự, mỗi nhân sự Vietinbank, Vietcombank tạo ra khoản lãi trên dưới 300 triệu đồng.
Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III và 9 tháng, ngoại trừ Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), hầu hết các nhà băng đều có lợi nhuận giảm 10-30% so với cùng kỳ, ví dụ như: ACB, DongA Bank, Navibank, OceanBank...
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá, mặt bằng lương ngân hàng năm nay giảm hơn mọi năm. Hiện tình hình kinh doanh của nhiều nhà băng vẫn khó khăn, dù đã tiết giảm một loạt chi phí. Đây cũng là năm chứng kiến nhiều xáo trộn trong cơ cấu nhân sự, từ cấp nhân viên đến lãnh đạo. Chỉ một số nơi chi lương bình quân trội hơn so với mặt bằng chung của ngành do chất lượng kinh doanh của những nhà băng này tương đối ổn định trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
"Hiện tình hình kinh doanh của các ngân hàng chưa mấy khả quan, nợ xấu còn tăng cao. Do đó, năm tới một số ngân hàng nếu có tăng lương cũng không đáng kể, còn số khác có thể sẽ giảm lương nữa nếu không chịu thay đổi và cải thiện môi trường kinh doanh", ông Kiêm dự báo.
Theo đánh giá Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tìm việc nhanh Lâm Quang Vinh, một năm trở lại đây, số lượng tuyển dụng trong lĩnh vực ngân hàng giảm mạnh. Nhà tuyển dụng không còn đưa ra mức lương cao như trước. Tuy nhiên, nếu so với lĩnh vực khác mức thì ngân hàng vẫn nằm trong top những ngành nghề có mức lương cao hiện nay.
Thế nhưng, mức lương bình quân tính cho toàn bộ nhân viên trong các nhà băng chưa phản ánh chính xác, bởi có sự chênh lệch giữa các bộ phận, vị trí. "Có những bộ phận mức lương vài chục triệu đồng mỗi tháng nhưng nhiều vị trí chỉ dao động 4-8 triệu đồng", ông nói.
Hồng Châu - Ngân Hà