(Thời báo Kinh Doanh) - Theo thông tin mới nhất mà Thời báo Kinh Doanh có được từ vụ việc đề nghị điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép không gỉ được nhập khẩu (NK) từ một số nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam, hiện Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan đang tính toán, cân nhắc những tác động tích cực, tiêu cực đến ngành thép nhằm đưa ra phán quyết có lợi nhất cho tất cả các doanh nghiệp (DN) trong ngành. Chủ trương thống nhất là sẽ bảo vệ ngành sản xuất nội địa và chỉ khởi kiện khi có khả năng thắng kiện lớn nhất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau 60 ngày, khi đã lấy được ý kiến của các cơ quan liên quan và thu thập đầy đủ thông tin, số liệu... về vụ việc đề nghị điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép không gỉ NK mà hai DN sản xuất thép là Công ty TNHH POSCO VST và Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình đưa ra vào tháng 5.
Tính toán kỹ về lợi íchTrao đổi riêng với Thời báo Kinh Doanh, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết hiện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đang là đơn vị trực tiếp thụ lý hồ sơ khởi kiện, và vụ việc hiện đang trong giai đoạn đưa ra quyết định có khởi kiện hay không. Theo đó, ngoài việc thu thập các thông tin mà 2 đơn vị khởi kiện đưa ra, cơ quan liên quan sẽ lấy thêm thông tin, số liệu từ một số DN sản xuất thép không gỉ khác của Việt Nam, cũng như các đơn vị NK sản phẩm này từ nước ngoài.
"Cục Quản lý cạnh tranh sẽ giúp Bộ Công Thương trong vấn đề là nếu như chúng ta tiến hành vụ kiện với các đối tác bán, xuất hàng sang Việt Nam, thì những ảnh hưởng của đơn vị trực tiếp NK sẽ như thế nào, hoặc những đơn vị NK sản phẩm ấy để sản xuất đồ tiêu dùng trong nước thì như thế nào. Vụ việc này sẽ được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng giữa mặt lợi, mặt hại, ảnh hưởng về quan hệ thương mại chung giữa các nước và vùng lãnh thổ mà chúng ta khởi kiện, để từ đó Bộ trưởng sẽ đưa ra quyết định có khởi kiện hay không?, ông Cường nói.
Quan điểm của VSA cũng như Bộ Công Thương là bất kỳ quyết định nào được đưa ra cũng sẽ đảm bảo việc bảo vệ lợi ích cho sản xuất nội địa, đảm bảo tính công bằng, bình đẳng về quyền lợi cho các DN có liên quan đến vụ việc này. Cũng bởi theo VSA, với những sản phẩm NK giá rẻ, chất lượng không đảm bảo đã lợi dụng những kẽ hở và sự kiểm soát không chặt chẽ của pháp luật để lách luật, thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thì các cơ quan chức năng cần phải có tiếng nói bảo vệ sản xuất nội địa.
Riêng với sản phẩm thép không gỉ, hiện lượng NK chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, mặc dù không có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường, nhưng ông Cường cho rằng nếu thị trường có hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì các nhà sản xuất sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn do phải đầu tư trang thiết bị và tạo việc làm cho công nhân.
Trước những quan ngại về việc nếu chính thức khởi kiện vụ của ngành thép, một số nước có tiềm lực mạnh có thể dùng biện pháp "trả đũa" với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Chủ tịch của VSA cho rằng việc có những nước sử dụng hình thức "trả đũa" là thường có.
Lần đầu tiên, DN Việt Nam khởi kiện chống bán phá giá
Tuy nhiên, vấn đề kiện cáo trong thương mại là "chuyện hết sức bình thường", nên khi đưa ra phán quyết cuối cùng, các cơ quan chức năng cũng sẽ phải xem xét những tác động có thể đến từ vấn đề này, đánh giá những thiệt hại nếu có trường hợp "trả đũa" xảy ra.
Đối với vấn đề này, ông Cường cho rằng mặc dù VSA rất muốn bảo vệ DN sản xuất nội địa, nhưng cơ quan có thẩm quyền quyết định và đưa ra những đánh giá đầy đủ nhất là Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tính toán rất kỹ lưỡng về việc này.
Cần sự phối hợp chặt chẽ Được biết, cùng với quá trình thu thập tài liệu, thông tin từ cơ quan chuyên trách của Bộ Công Thương, VSA cũng đang "nắm" những con số chính liên quan đến vụ việc này. Theo đó, ngoài 2 đơn vị đưa đơn khởi kiện, VSA cũng đang lấy ý kiến, thu thập thông tin từ các đơn vị, DN khác có liên quan để cân nhắc, đánh giá những tác động có lợi, có hại từ vụ việc để đưa ra quan điểm cuối cùng trước khi báo cáo lên Bộ Công Thương. Hiện VSA mới chỉ có báo cáo sơ bộ lên cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên, mọi thông tin liên quan về vụ việc đang được giữ kín để đảm bảo tính bảo mật và quyền lợi cho DN.
Việc theo đuổi một vụ việc chống bán phá giá với DN Việt Nam là vô cùng khó khăn khi chưa có nhiều kinh nghiệm, trong khi các đối thủ đều rất mạnh về phương diện này. Do đó, ông Cường khuyến cáo trong thời điểm hiện nay, các DN cần có sự phối hợp chặt chẽ với hiệp hội cũng như cơ quan quản lý về cạnh tranh trong việc cung cấp thông tin, tiến hành thu thập bằng chứng. Cũng bởi, đối với một vụ kiện, điều quan trọng nhất là "ta kiện có lý lẽ, đầy đủ bằng cớ hay không?".
"Kiện chống bán phá giá là việc của hiệp hội với vai trò rất lớn, nên DN cần có trao đổi để đi đến thống nhất. Hiệp hội sẽ có trách nhiệm thu thập bằng chứng, kêu gọi sự ủng hộ của các DN ở nước khác dựa trên mối quan hệ với hiệp hội các nước. Tiến hành kiện cũng không tránh khỏi thuê tư vấn luật ở nước ngoài, nên với kinh nghiệm đã đối phó với nhiều vụ việc, Hiệp hội cũng sẽ là nơi tập hợp thông tin và kêu gọi tư vấn luật. Chỉ có thể "tin" vào vụ việc này khi Bộ Công Thương, VSA, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thu thập đủ thông tin, và khi đưa ra thì phải chắc thắng", ông Cường khuyến cáo.
Cẩm An (Thời báo kinh Doanh )