Tháng 1, nhiều ngành công nghiệp tăng trưởng cao
NDĐT – Bộ Công thương vừa thông báo tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 1-2015, trong đó nhiều ngành có tốc độ tăng trưởng cao.
Những ngành có tốc độ tăng cao gồm: khai thác đá, cát, sỏi, đất sét tăng 23,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 16,1%; sản xuất sợi tăng 45,5%; sản xuất giày dép tăng 22,9%; sản xuất sơn, véc ni và các chất sơn, sản xuất mực in và ma tít tăng 39,7%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 16,1%; sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét tăng 36,6%; sản xuất xi măng tăng 27,1%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 31,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 30,8%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 22,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 68,4%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe tăng 46,2%... Tuy nhiên, một số ngành giảm so với cùng kỳ gồm: sản xuất đường giảm 4,5%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) giảm 2,9%.
Tình hình tồn kho
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm ngày 1-1-2015 tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm 2014, trong đó: một số ngành có chỉ số tồn kho cao như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11%; sản xuất đồ uống tăng 59,5%; dệt tăng 10,1%; sản xuất trang phục tăng 24,5%; sản xuất giấy tăng 100,1%; sản xuất thuốc tăng 15,4%; sản xuất kim loại tăng 32,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 37,8%... (nguyên nhân chủ yếu do: tồn kho theo kế hoạch để dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán).
Những ngành có chỉ số tồn kho giảm nhiều so với cùng thời điểm năm 2014 gồm: sản xuất thuốc lá giảm 34,8%; sản xuất da giảm 8,1%; sản xuất hóa chất giảm 15,4%; sản xuất thiết bị điện giảm 13,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 19,3%...
Một số ngành trong tháng 1-2015:
Ngành Điện: Tháng 1-2015, điện thương phẩm ước đạt 10,89 tỷ kWh, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Trong đó, điện thương phẩm cho hộ công nghiệp và xây dựng ước đạt 6,1 tỷ kWh, tăng 12,94% so với cùng kỳ; điện thương phẩm của khối quản lý và tiêu dùng dân cư ước đạt 3,77 tỷ kWh, tăng 14,57%. Điện sản xuất đạt 12,3 tỷ kWh, tăng 24,5% so với với cùng kỳ, trong đó điện sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt 4,98 tỷ kWh, tăng 28,96% so với cùng kỳ.
Ngành Dầu khí: Sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 1 ước đạt 1,62 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, dầu thô khai thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong nước đạt 1,47 triệu tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ, tại nước ngoài đạt 0,15 triệu tấn, bằng 98,3% so với cùng kỳ 2014; khai thác khí đốt (khí thiên nhiên) ước đạt 0,9 tỷ m3, tăng 5,8% so với cùng kỳ; khí hóa lỏng (LPG) ước đạt 59 nghìn tấn bằng 89,1% so với cùng kỳ năm 2014; xăng, dầu các loại đạt 570,6 nghìn tấn, tăng 4,3% so với năm 2014.
Ngành Than: Năm 2015, với dự báo kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, nhu cầu than trong nước (đặc biệt là than cho sản xuất điện) tăng, giá than cho điện đã được điều chỉnh tiến tới theo giá thị trường. Tuy nhiên với điều kiện khai thác ngày càng phức tạp dẫn đến chi phí khai thác ngày càng tăng, ngay từ đầu năm, ngành than đã quyết liệt triển khai các giải pháp như kiểm soát chi phí, định mức kinh tế - kỹ thuật; đổi mới, nâng cao hiệu quản hoạt động của các đơn vị thành viên; đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, cơ giới hóa, tự động hóa... với mục tiêu hoàn thành kế hoạch đã đặt ra. Dự kiến Tháng 1-2015, than sạch toàn ngành ước đạt 3,56 triệu tấn tăng 13,1% so với cùng kỳ. Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, dự kiến than nguyên khai sản xuất của Tập đoàn ước đạt 3,73 triệu tấn tăng 12,5% so với cùng kỳ, than thành phẩm tổng số ước đạt 3,23 triệu tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Than tiêu thụ tháng 1 của Tập đoàn ước đạt 3,0 triệu tấn, bằng 96,5% so với cùng kỳ, trong đó, than xuất khẩu ước đạt 117 ngàn tấn, than tiêu thụ trong nước ước đạt 2,89 triệu tấn.
Ngành Thép: Trong tháng 1, ngành thép sản xuất ổn định. Sản lượng sản xuất một số sản phẩm chủ yếu như sau: sản lượng sản xuất sắt thép thô ước đạt 280,4 nghìn tấn tăng 71% so với cùng kỳ năm 2014; sản lượng thép cán ước đạt 307,9 nghìn tấn, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2014; sản lượng thép thanh, thép góc ước đạt 314 nghìn tấn, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, sản lượng thép các loại của Tổng công ty Thép Việt Nam ước đạt 120,7 nghìn tấn, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2014.
Tháng 1, nhập khẩu thép các loại ước đạt 1,1 triệu tấn, tăng 91% so với cùng kỳ, trong đó nhập phôi thép đạt 133 nghìn tấn.
Bước sang đầu năm 2015, tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do: giá các nguyên liệu đầu vào như phôi thép, thép phế, quặng sắt vẫn tiếp tục giảm, cùng với giá xăng dầu liên tục giảm gây tâm lý chờ đợi của khách hàng; nhu cầu thị trường chưa có sự tăng trưởng mạnh do không phải mùa cao điểm về xây dựng và các đơn vị thương mại hạn chế mua vào để tập trung vào công tác thu hồi công nợ; nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá bán để đẩy nhanh lượng hàng tồn kho giá cao ra thị trường và giữ thị phần.
Ngành Phân bón và Hoá chất: Tháng 1, sản lượng phân đạm urê ước đạt 177,3 nghìn tấn, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2014; phân NPK khoảng 186,9 nghìn tấn, tăng 18,5% so cùng kỳ; trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có sản lượng phân Urê tháng 1 ước đạt 30,6 nghìn tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ, sản lượng phân NPK ước đạt 123,7 nghìn tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ, sản lượng phân DAP ước đạt 32 nghìn tấn, tăng 117,6% so với cùng kỳ. Nhập khẩu phân bón tháng 1 tăng 35,6% về số lượng và giảm 57,4% về trị giá.
Ngành cơ khí, điện, điện tử: Gần dịp Tết Nguyên đán, các công ty sản xuất, kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh thực hiện những chương trình khuyến mại hấp dẫn nhằm tăng sức mua. Do đó, thị trường điện tử, điện lạnh thời điểm này khá sôi động. Các sản phẩm điện tử được người tiêu dùng quan tâm nhất vào thời điểm này là tivi, dàn âm thanh, loa và máy ảnh kỹ thuật số...
Sản lượng ôtô tháng 1-2015 ước đạt 14,2 nghìn cái, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng xe máy ước đạt 317,5 nghìn cái, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Ngành Dệt may: tính đến nay, nhiều doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng sản xuất đến hết quý I/2015, thậm chí một số doanh nghiệp lớn có đơn hàng sản xuất đến hết quý II cho sản phẩm hoàn tất. Trong tháng, sản lượng sản xuất so với cùng kỳ như: vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 25,2 triệu m2, tăng 9,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 61,0 triệu m2, tăng 14,8%; quần áo mặc thường ước đạt 264,7 triệu cái, tăng 3,6%. Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc tháng 1 ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Ngành Da giầy: Sản lượng giầy dép da tháng 1 ước đạt 24 triệu đôi, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại tháng 1 ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ.
Siêu tầm:
Inox Đoàn