Tin Inox Đoàn - THỊ TRƯỜNG SẮT THÉP NĂM 2013 VÀ DỰ BÁO NĂM 2014 (06/01/2014)
Thứ Ba, 07/01/2014 08:17
( Tin Inox Đoàn ) - Thị trường thép thế giới đã có nhiều khởi sắc trong 6 tháng cuối năm nhờ kinh tế hồi phục tại Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
( Inox Đoàn ) - Thị trường thép Việt Nam kém sôi động ngay cả trong những tháng cao điểm xây dựng cuối năm, cung vượt cầu, giá giảm, nhập siêu thép khoảng 5 tỉ USD.
I. THỊ TRƯỜNG THÉP THẾ GIỚI
( Inox Đoàn ) - Thị trường thép thế giới trải qua một năm đầy biến động trong bầu không khí khủng hoảng kinh tế bao trùm, khiến nhu cầu tiêu thụ thép suy yếu, nguồn cung dư thừa, tồn kho lớn, giao dịch chậm lại, giá nguyên liệu thô tăng cao, giá thép giảm. Song với nỗ lực vượt qua khó khăn, từ nửa cuối năm, kinh tế thế giới đã và đang có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn đặc biệt là sự khởi sắc của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu, tuy tăng trưởng chậm nhưng bền vững hơn. Đây là những tín hiệu tích cực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép, hỗ trợ thị trường thép.
Giá thép thế giới biến động mạnh theo xu hướng giảm trong năm 2013. Giá thép tăng mạnh nhất vào tháng 2 nhờ hoạt động tái thiết dự trữ của Trung Quốc và giảm mạnh nhất vào tháng 7, chạm mức thấp nhất 40 tháng, trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và nhu cầu suy giảm ở khắp các châu lục.
Tháng cuối năm, giá thép tăng cao tại Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu đã đẩy chỉ số giá thép tham khảo thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2013. Nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu đầu vào cao, khiến các doanh nghiệp phải nâng giá thép để bù vào chi phí, nhu cầu mạnh lên trong khi nguồn cung thắt chặt, dự trữ giảm.
MEPS ước tính sản lượng thép thế giới sẽ đạt 1,6 tỷ tấn trong năm 2013. Việc cắt giảm sản xuất tại hầu hết các vùng trên thế giới nhiều hơn sẽ bù lại sản lượng tăng tại Trung Quốc.
Hiệp hội Thép thế giới đánh giá tiêu thụ thép toàn cầu sẽ tăng 3,1% trong năm 2013 đạt 1,475 tỷ tấn, trong đó tiêu thụ thép của Trung Quốc ước tăng 6% đạt 700 triệu tấn. Tiêu thụ thép của Liên minh châu Âu (27 nước) giảm 3,8% còn 135 triệu tấn.
II. THỊ TRƯỜNG QUẶNG SẮT THẾ GIỚI
( Inox Đoàn ) - Giá quặng sắt nguyên liệu thô để chế tạo thép - biến động theo xu hướng giảm trong năm 2013. Sau khi giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm 2011 trong tháng 6, giá đã tăng đáng kể trong nửa cuối năm.
Nguyên nhân gây chính khiến giá giảm mạnh là do các nhà kinh doanh và sản xuất thép lo ngại nhu cầu Trung Quốc yếu đi, giá thép lao dốc đã khiến các nhà máy sản xuất cắt giảm quy mô sản xuất, giảm lượng quặng nguyên liệu dự trữ.
Kinh tế thế giới khởi sắc trong nửa cuối năm trong khi nguồn cung yếu đi tại hai nước khai quặng chính trên thế giới là Australia và Brazil và nhập khẩu quặng tăng mạnh từ Trung Quốc là các yếu tố chính hỗ trợ thị trường.Thị trường thép mạnh lên khiến các nhà máy mở rộng sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ quặng sắt.
Theo dự báo của tập đoàn tài chính Morgan Stanley, thị trường quặng sắt được vận chuyển qua đường biển sẽ thiếu hụt 25 triệu tấn trong nửa đầu năm 2014, sau đó chuyển sang trạng thái dư thừa 49 triệu tấn trong giai đoạn nửa cuối năm 2014.
Morgan Stanley đã nâng dự báo giá quặng sắt lên mức trung bình 130 USD/tấn trong quý I/2014 và 120 USD/tấn trong quý II/2014, tăng so với mức 125 USD/tấn và 117 USD/tấn được đưa ra trong dự báo trước đó.
II. THỊ TRƯỜNG THÉP TRONG NƯỚC
( Inox Đoàn ) - Năm 2013 được xem là một năm khó khăn nữa đối với ngành thép trong nước do nền kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng khiến tiêu thụ thép giảm mạnh; gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản còn nhiều vướng mắc chưa phát huy tác dụng; công suất sản xuất lớn khiến cung vượt cầu đồng thời phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu thép có chứa nguyên tố Bo trốn thuế.
Theo các số liệu của Tổng cục Hải quan, tính tới 15/12, Việt Nam đã nhập khẩu 9 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 6,5 tỷ USD, tăng 25% về lượng và tăng 14% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong khi xuất khẩu cả năm ước là 2 tỷ USD. Như vậy là năm nay thị trường thép nhập siêu khoảng 4,5 đến 5 tỷ USD, tương đương với mức năm ngoái.
Giá thép năm nay có chiều hướng giảm. Tháng cuối năm, giá bán đầu nguồn các mặt hàng thép xây dựng giảm ở cả Miền Bắc và Miền Nam do sức tiêu thụ hạn chế cũng như nhiều doanh nghiệp giảm giá (lãi suất ngân hàng giảm dẫn đến chi phí tài chính giảm, chi phí nguyên vật liệu giảm...).
IV. DỰ BÁO XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG
Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) dự kiến doanh thu của ngành thép trong năm 2014 sẽ tăng 2-3% so với năm nay lên 4,6 triệu tấn. Khả năng tiêu thụ thép sẽ không nhiều đột biến, có thể mức tăng khoảng từ 2-3% so với năm 2013. Thị trường thép những tháng đầu năm dự kiến sẽ trầm lắng, nhu cầu giảm mạnh do không phải mùa xây dựng, giá thép sẽ giảm nhẹ.
Hiệp hội Thép thế giới (WSA) dự kiến tiêu thụ thép tăng 3,3% lên 1,52 tỷ tấn trong năm tới. Trong khi, MEPs, công ty chuyên nghiên cứu thị trường thép của Anh,dự kiến sản lượng thép thô thế giới sẽ đạt 1,65 tỷ tấn trong năm 2014. Việc cắt giảm sản xuất tại hầu hết các vùng trên thế giới sẽ nhiều hơn bù lại sản lượng tăng cao tại Trung Quốc.
MEPS dự kiến giá thép sẽ tăng gần 6% trong 5 tháng đầu năm 2014. Mức tăng này chắc chắn không đồng đều trên khắp các khu vực trên thế giới. Giá dự báo sẽ tăng mạnh nhất tại Liên Minh Châu Âu sau thời kỳ khó khăn đối với các nhà máy trong cả năm 2013. Tại Bắc Mỹ, mức tăng giá, đã bắt đầu từ nửa cuối năm nay, dự kiến sẽ tăng lên vào những tháng đầu năm 2014.
Nguồn tin: Vinanet